Recent Posts

Vẫn còn ...3 triệu lượng vàng nằm im trong két nhà băng

[masgroup.vn]- Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện các ngân hàng đang nắm một lượng vàng lên tới 112 tấn, tương đương khoảng trên 3 triệu lượng.
“Đánh thức” 500 tấn vàng>>>
Trong khi vàng ngoài thị trường liên tục nhảy múa và được giới kinh doanh vàng đẩy giá với lý do "không có đủ vàng để bán…" thì vẫn có hàng núi vàng nằm im trong két các ngân hàng, không được tham gia vào việc điều tiết thị trường và Nhà nước hết lần này đến lần khác buộc phải chi ngoại tệ để nhập vàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện các ngân hàng đang nắm một lượng vàng lên tới 112 tấn, tương đương khoảng trên 3 triệu lượng.

Nghịch lý vàng "neo" giá

Cho đến trưa 1-10, giá vàng niêm yết tại các doanh nghiệp vàng lớn trong nước vẫn trên 44 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng quốc tế ở mức 1.624 USD/ounce, tức là khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế còn khoảng hơn 3 triệu đồng/lượng. Thống kê giao dịch trong 1 tuần cuối của tháng 9-2011, mức chênh lệch này luôn ở khoảng 4 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm chênh tới gần 5 triệu đồng/lượng….

Về nguyên nhân của sự chênh lệch vô lý này, các đại gia kinh doanh vàng phân bua rằng, lượng vàng mua vào từ người dân so với bán ra chỉ được 10 -30%. Thiếu nguồn cung nên chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm được. Tuy nhiên, một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội quy mô nhỏ hơn thì nói thẳng: "Chênh lệch cung - cầu chỉ là cái cớ để các doanh nghiệp đẩy giá bán trục lợi. Khi nào giá vàng tăng mạnh, người đi bán nhiều hơn người mua, như hồi tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lại tìm cách hạn chế mua vào, giá mua thấp hơn giá thế giới. Và đến khi giá vàng thế giới giảm mạnh như những ngày cuối tháng 9 vừa qua, thì họ làm ngược lại, hạn chế bán ra với lý do là thiếu vàng. Đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng như chúng tôi mà còn bị các doanh nghiệp lớn ép giá". Theo phân tích của Tổng thư ký hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng, nguyên nhân sâu xa là do thị trường trong nước và thế giới thiếu sự liên thông, cơ chế quản lý với hoạt động xuất nhập khẩu vàng thiếu linh hoạt. Cho nên, cứ khi nào giá thế giới tăng cao ngất ngưởng, thị trường trong nước rối loạn, NHNN mới cho phép nhập vàng nhưng với thời hạn và số lượng rất hạn chế.

Do vậy, doanh nghiệp ít có sự lựa chọn về thời điểm, giá cả nhập khẩu vàng và thường thì phải nhập ở thời điểm giá thế giới cao. Nay, tuy giá thế giới hạ nhưng doanh nghiệp vẫn tồn một lượng vàng nhập ở thời điểm giá thế giới cao, nên giá bán không thể tiệm cận giá thế giới khi đã hạ xuống được. Đây là một bất cập khi việc cấp quota nhập khẩu vàng luôn không theo dịp diễn biến của thị trường.


Giải pháp trong tầm tay

Theo các chuyên gia kinh tế, việc can thiệp thị trường bằng cách cấp hạn ngạch nhập vàng, sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Với nhu cầu mua của dân hiện nay thì không thể cứ mãi nhập vàng khi dự trữ ngoại hối có hạn. Sự chênh lệch đến mức nghịch lý của giá vàng trong nước và quốc tế những ngày qua khiến người ta càng đỏ mắt trông chờ vào quỹ vàng 3 triệu lượng trong nhà băng. Về thẩm quyền, NHNN hoàn toàn có thể bật đèn xanh cho phép các ngân hàng bán vàng ra thị trường để hạ nhiệt các "cơn sốt" và khi thị trường ổn định, các ngân hàng có thể mua dần lại vàng để cân bằng. Hoặc theo như ý kiến của Ts. Nguyễn Đình Ánh (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính), để tránh rủi ro cho ngân hàng thương mại do giá vàng biến động thì có thể chuyển một phần số vàng nằm tại các ngân hàng thương mại đó cho NHNN để NHNN kinh doanh trên cả thị trường vàng trong nước và quốc tế. NHNN sẽ phải tính toán đảm bảo tính thanh khoản, mức độ an toàn và tính hấp dẫn người gửi cho số vàng đã huy động đó….

Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì chỉ cần lượng vàng khoảng 500.000 lượng (tương đương 17-18% số vàng ngân hàng đang nắm giữ) là thừa sức hạ nhiệt những "cơn sốt" ở quy mô rộng, giải quyết nghịch lý của thị trường. Thay vì xuất ngoại tệ để nhập vàng khiến kim ngạch nhập khẩu tăng lên hàng trăm triệu đô la như thời gian qua thì chúng ta hoàn toàn có thể ổn định thị trường vàng bằng chính nguồn vàng mà người dân gửi ở ngân hàng. Vậy tại sao giải pháp này vẫn để ngỏ, khiến thị trường vàng rơi vào hết nghịch lý này đến bất cập khác? Ai cũng thấy, thiệt hại từ sự nghịch lý, bất cập đó luôn thuộc về người dân và nhà nước.
TS.Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính
Nên cho ngân hàng huy động vàng
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể ủy quyền cho các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động tiền gửi dưới dạng vàng từ dân cư, song không được phép cho vay vàng để tránh rủi ro cho NHTM do giá vàng biến động mà phải chuyển số vàng đó cho NHNN để NHNN kinh doanh trên cả thị trường vàng trong nước và quốc tế. NHNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản, mức độ an toàn và tính hấp dẫn người gửi cho số vàng đã huy động đó. Người gửi vàng vào NHTM được cấp chứng chỉ gửi vàng do NHNN thống nhất phát hành và quản lý. Chứng chỉ gửi vàng này được sử dụng như một công cụ tài chính trên thị trường tài chính tiền tệ. Thị trường giao dịch chứng chỉ vàng sẽ góp phần giảm bớt những phức tạp do giao dịch vàng vật chất gây ra, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực và công cụ tài chính cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể huy động vàng tạo vốn cho đầu tư phát triển tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ hay chuyển thành nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng. Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân vừa tăng thanh khoản của vàng, vừa giúp ngân sách nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng.

















Bá Tuấn

0 comments:

Đăng nhận xét