Recent Posts

Nền giáo dục cần phải thay đổi cả cách học và cách thi


[Masgroupvn] - Để giải quyết “bài toán” cải cách giáo dục, các chuyên gia đã chỉ ra
những “căn bệnh” tồn tại lâu năm trong hệ thống giáo dục quốc dân.



Chỉ chú trọng dạy chữ
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo Trung ương) chỉ ra một thực tế: Giáo dục nước ta vẫn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người và chưa làm tốt việc dạy nghề; chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.


Chính điều này đã tạo nên sự mất cân đối trầm trọng trong việc đào tạo. Hiện nay, các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, pháp lý, khoa học xã hội – nhân văn chiếm 38% số sinh viên, ngành sư phạm chiếm 20%; ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 21% còn khối ngành nông – lâm nghiệp mới chỉ chiếm 8% và các ngành khoa học tự nhiên chỉ chiếm 2%. Trong khi nước ta số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn đang chiếm số đông.
Cùng với đó là sự gia tăng ồ ạt về số lượng của các trường trong vài năm qua. Chỉ trong 4 năm (từ 2006 – 2010), cả nước đã có thêm 64 trường ĐH – CĐ, trong khi số lượng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên vẫn còn rất thiếu. Vậy ai có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục ĐH trong hoàn cảnh thiếu thầy, thừa trường như vậy? Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, số trường không thể tuyển đủ sinh viên ngày một nhiều, vậy việc liên tục mở thêm trường mới có phải là giải pháp đúng hay không?
Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, trước đây ngành giáo dục đã có chủ trương mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra. Đây được đánh giá là một quy trình rất hợp lý và phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến, nhưng rồi quy trình này bị dỡ bỏ và các trường ĐH, CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược là thắt chặt đầu vào nhưng lại nới lỏng việc đào tạo và đầu ra.
Giảm tải không chỉ là cắt xén
PGS.TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận xét, giảm tải chương trình giáo dục phổ thông không chỉ đơn giản là giảm khối lượng và độ khó kiến thức như Bộ GDĐT đang chỉ đạo mà quan trọng hơn là phải xác định rõ mục tiêu giáo dục phổ thông có cần đổi mới không? Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào?... Nếu giảm tải không được nghiên cứu thấu đáo thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự “chữa cháy”, không cơ bản..
Ông Nguyễn Đắc Hưng cũng đồng tình khi cho rằng: Mặc dù đã “giảm tải” nhưng chương trình SGK ở bậc phổ thông vẫn không có tính chất ổn định, vừa nặng, vừa thiếu tính khoa học, vừa thừa những nội dung không còn giá trị sử dụng, lại thiếu những nội dung cần thiết cho cuộc sống. Vì vậy, ngoài giảm tải chương trình SGK, cần phải siết chặt việc xuất bản các sách tham khảo ăn theo.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề xuất, cần phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt ngay cả đối với SGK, đồng thời cần thiết phải có nhiều bộ SGK chứ không phải một bộ duy nhất như hiện nay.
GS Hoàng Tụy khẳng định, để cải cách giáo dục một cách toàn diện và căn bản, cần thay đổi cách học và thi; cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; hiện đại hóa đại học, cải thiện chất lượng đầu vào, thay đổi phương thức đào tạo, tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học; Vấn đề cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng dạy.
Nguyên Minh
Nguồn: laodong.com.vn
Sưu tầm: masgroupvn

0 comments:

Đăng nhận xét