Recent Posts

Thưởng tết: kẻ khóc người cười


[Masgroup] - Năm hết tết đến, công nhân, công nhân viên, người đi làm nói chung đều mong chờ được một khoản thưởng cuối năm để trang trải cho ngày tết thêm sung túc. Thưởng tết năm nay đang là nỗi đau đầu của khá nhiều doanh nghiệp vì một năm hoạt động có quá nhiều biến động.


Bên cạnh những câu trả lời kiểu như “Chưa có kế hoạch” hay tiếng thở dài thay cho lời nói của nhiều chủ doanh nghiệp, vẫn có nhiều đơn vị tìm cách xoay trở để công nhân viên của mình không quá hụt hẫng.



Đa số công nhân luôn mong chờ tiền thưởng tết như một món quà ý nghĩa sau một năm vất vả.

Khi doanh nghiệp thiếu tiền

Thiếu tiền mặt nhưng không thể không thưởng tết, bà B. - giám đốc công ty chuyên về chế biến nông sản ở huyện Hóc Môn, TP.HCM - đã tính đến phương án thưởng cho 30 công nhân viên của mình một ít tiền, còn lại là mứt, bánh kẹo và các sản phẩm của công ty sản xuất.

Bà nói cả năm nay giá nguyên liệu chế biến nông sản như dừa, chanh, khoai... tăng vùn vụt, bấp bênh khiến công việc chế biến không còn lời, việc cứ thế giảm dần. Xoay tính đủ thứ, để giữ chân công nhân và có tiền cơm hằng ngày, bà nhận tất cả công việc từ gọt bí, phân loại khổ qua, ớt đến lột vỏ khoai mì...

“Chúng tôi có cung ứng nguyên liệu qua chế biến cho siêu thị, một số nhà máy chế biến thực phẩm nhưng vòng tiền trả về rất chậm, trong khi công ty phải liên tục ứng tiền cho nông dân, thương lái để có nguồn nguyên liệu ổn định” - bà B. nói.

Mọi năm, bà B. thường vay ngân hàng để trả thưởng cho công nhân trước tết, sau đó đối tác sẽ thanh toán tiền qua ngân hàng đó bù vào. Nhưng với lãi suất hiện nay cộng việc ngân hàng khá khó khăn khi cho vay, bà B. không thể nào tiếp cận với nguồn tiền mặt.

“Chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận giảm nên thưởng tết cho nhân viên sẽ không cao như mọi năm, ngay cả quỹ dự trù kinh phí cũng bị hao hụt vì lạm phát nên tiền mặt rất eo hẹp. Có thể tôi sẽ thưởng một nửa bằng tiền mặt, một nửa bằng hàng của công ty. Nếu ra tết tình hình tốt hơn tôi sẽ thưởng bổ sung” - bà B. chia sẻ.

Phương án thưởng tết bằng quà thay tiền mặt cũng đang được nhiều công ty cân nhắc. Anh Tuấn, nhân viên bán hàng công ty điện tử G, cho biết giám đốc nhân sự đã rỉ tai về việc thưởng tết bằng bếp gas, máy pha cà phê, bàn ủi... tùy theo nguyện vọng của nhân viên. Đây là những mặt hàng công ty đang kinh doanh nên hình thức “thưởng” này lợi cả đôi đường.

Anh Tuấn nói các nhân viên trong phòng cũng được khuyến khích mở chiến dịch bán hàng tết theo chương trình “Mua hàng thưởng tết” bằng cách thuyết phục các công ty khác tặng thưởng cho nhân viên bằng sản phẩm thay tiền mặt.

Thật ra, một số mặt hàng nếu thưởng dịp tết cũng thích hợp nhưng chưa hợp với nhu cầu người dùng nên không phải ai nhận quà tết đều vui. “Nói chung thưởng tiền là thích nhất. Muốn mua gì cứ theo ý thích của mình” - Thanh Dung, nhân viên một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thừa nhận. Trong khi đó, do doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng giảm 40% so với năm ngoái, lượng hàng tồn tăng mạnh nên các công ty này chỉ thưởng một số tiền nhỏ gọi là thưởng tết, còn lại... khuyến khích nhân viên sử dụng sản phẩm của công ty.

Ông Bùi Thế Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Khải Hoàn - doanh nghiệp đang nắm trong tay trên 5.000 lao động, cho biết mấy hôm nay ban giám đốc công ty đang đau đầu với bài toán thưởng tết cho người lao động. Ông Hùng than thở: “Năm 2011 tình hình kinh doanh khó khăn, nhưng mình phải chăm lo cho người lao động để giữ họ gắn bó với công ty, đó cũng là tấm lòng giữa con người với nhau. Vì vậy chúng tôi quyết giữ mức chăm lo tết phải bằng hoặc cao hơn năm ngoái”.

Ngoài việc duy trì xe đưa rước công nhân về quê ăn tết, theo ông Hùng, năm nay thưởng tết cho công nhân tối thiểu một tháng lương, tương đương 2,1 triệu đồng. Năm nay số công nhân ở lại ăn tết dự đoán sẽ đông hơn nên công ty phải chăm lo cho các đối tượng này bằng các chương trình sinh hoạt tết như tổ chức văn nghệ, nấu bánh chưng, tặng quà...

Anh Nguyễn Bình, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH sản xuất - thương mại Minh Diệu chuyên sản xuất đế giày phân phối trong nước, cho biết chưa công bố kế hoạch thưởng tết cho công nhân nhưng phấn đấu bằng hoặc hơn năm ngoái, như thưởng cho công nhân tháng lương thứ 13 và một thùng bia. Ngoài ra, công đoàn còn tặng bột ngọt, dầu ăn cho công nhân.


Ít, nhiều đều thưởng

Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nên việc thưởng tết là điều quá sức đối với họ trong năm nay. “Biết rằng thưởng cho công nhân viên cuối năm là điều cần thiết, đáng phải làm nhưng kinh doanh lỗ thì làm sao có tiền để thưởng” - ông Thắng nói.

Ông kể năm ngoái có chủ doanh nghiệp đã bỏ tiền túi 10 tỉ đồng để thưởng cho công nhân, bồi thêm một năm khó khăn nữa như năm nay thì thưởng tết là một khó khăn rất lớn.

Dù công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ trương không cắt giảm thưởng tết của người lao động. Lãnh đạo Công ty may mặc Tân Long Trường, Q.9, TP.HCM mới khẳng định chắc nịch với công nhân: “Năm nay toàn thể công nhân sẽ được nghỉ tết vào ngày 25 âm lịch. Đúng ngày này, công ty sẽ phát thưởng luôn và tài trợ 100% vé xe cho công nhân ở xa về quê”.

Còn công ty chuyên sản xuất bo mạch điện tử Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1) dù chưa tổng kết lỗ, lãi để đưa ra mức thưởng tết cụ thể nhưng vẫn dự tính thưởng cao hơn năm trước. Theo lãnh đạo công ty này, nếu tết 2011 công ty thưởng từ 1,2-1,5 tháng lương thì năm nay mức thưởng sẽ từ 1,5-1,8 tháng lương.

Trong khi khối doanh nghiệp sản xuất hầu hết đều khẳng định có thưởng, thì ở khối doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ việc thưởng tết còn là ẩn số. Nhân viên một số công ty quảng cáo, chứng khoán... cho biết vẫn chưa thấy thông báo gì và dự đoán tình hình sẽ u ám vì công ty thua lỗ.

Thùy Mai, nhân viên một công ty du lịch tại Q.1, cho biết năm ngoái Tết dương lịch vẫn thưởng được nửa tháng lương. Năm nay doanh thu công ty giảm vì khó khăn kinh tế, tiền thưởng là những phiếu mua hàng siêu thị. Theo giám đốc thì đó là sự chia sẻ về đời sống kinh tế thiết thực. Hiểu sự khó khăn của công ty nhưng Mai nói thưởng tết không chỉ mang tính giá trị mà còn là niềm tự hào của nhân viên. Về quê, gặp bà con, bạn bè ai chẳng hỏi thưởng tết có nhiều không, hơn năm ngoái không?


Kẻ khóc, người cười

Năm nay, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu dệt may dẫn đầu về giá trị xuất khẩu, với 12,8 tỷ USD nên nhiều DN trong lĩnh vực này được mùa. Ông Bùi Viết Quang - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) cho biết, dù chịu tác động mạnh bởi tỷ giá, lạm phát, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty vẫn tốt. Doanh thu toàn Cty ước đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 100 tỷ đồng.

Mặc dù chưa biết cụ thể lợi nhuận sau thuế nhưng lãnh đạo Cty vẫn quyết định sẽ trả cổ tức cho cổ đông là 30%. Đồng thời, HĐQT cũng quyết định sẽ thưởng Tết cho toàn bộ 6.000 cán bộ công nhân viên mỗi người ít nhất 2 tháng lương 13 và 14. Nếu gộp thêm các khoản tiền thưởng khác, trung bình chung mỗi CBCNV sẽ nhận được khoản tiền thưởng Tết là 10 triệu đồng/người.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Cty Dệt 19-5, vì năm nay lãi suất ngân hàng cao, hàng hóa ế ẩm, sản phẩm làm ra phải chất kho nên cố gắng lắm cũng chỉ lo trả lương tháng thứ 9 và 10 (hiện vẫn đang nợ lương) cho công nhân chứ đến thời điểm này chưa nghĩ đến chuyện thưởng Tết.

Thực phẩm, thức ăn chăn nuôi khá

Kinh doanh trong bối cảnh nước nổi, bèo nổi. Năm nay, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tăng giá tới 7 lần, nên nhiều DN làm ăn phát đạt. Ông Nguyễn Khắc Thảo - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Bắc Ninh), DN chuyên kinh doanh về thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, con giống, cho biết, doanh thu của Cty tốt nên kế hoạch thưởng Tết Nhâm Thìn cho CBCNV dù chưa công bố nhưng chắc chắn tối thiểu cũng sẽ bằng năm ngoái.

Theo ông Thảo, mức thưởng Tết loại A có thể thưởng 17-18 triệu đồng/người; loại B 7-8 triệu đồng/người; loại C 4 triệu đồng/người.

Còn ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Cty Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết: “Hiện, Cty đã quyết định anh em sẽ có thêm tháng lương thứ 13. Ngoài ra, dịp Tết Âm lịch sẽ có thêm một khoản tiền thưởng cao hơn năm ngoái là 5 triệu đồng/người”.

Bất động sản, chứng khoán, xăng dầu héo

Một năm khó khăn thực sự với các DN kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Bởi cả hai thị trường đều lặng sóng, nên hiện tại hai từ “thưởng Tết” khá xa lạ với các công ty chứng khoán. Đại diện một số công ty như Kim Long, SSI cũng chỉ tiết lộ chung chung sẽ có thưởng. Còn thưởng bao nhiêu thì khó nói.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán yếu thanh khoản và lỗ dài thì thừa nhận lo thưởng Tết cho con số dăm chục nhân viên sẽ là vấn đề đau đầu khi thời điểm này, sức hồi phục của thị trường vẫn chưa hề có dấu hiệu xanh trở lại.

Trong khi đó, theo ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Cty Đất Xanh miền Bắc, năm nay, do thị trường BĐS khó khăn nên việc tiền thưởng Tết cho nhân viên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều do kết quả sản xuất kinh doanh không tốt. Nếu như năm ngoái, ngoài số tiền thưởng lương tháng 13, Tập đoàn Đất Xanh còn có khoản tiền thưởng riêng cho các cá nhân, đơn vị xuất sắc thì năm nay khó thực hiện được.

Ông Đặng Vinh Sang - Tổng giám đốc Saigon Petro than thở, tính đến thời điểm này, doanh nghiệp đang bị lỗ hơn 100 tỷ đồng. Trong kinh doanh xăng dầu, lượng tiêu thụ của cả năm cũng giảm tới 85% so với năm ngoái nên quỹ lương của doanh nghiệp bị giảm rất lớn. Thông thường các năm, từ đầu năm đến tháng 8, tháng 9, doanh nghiệp sử dụng một phần quỹ tiền lương để trả cho NLĐ; đến kết thúc năm, nếu lợi nhuận cao, sẽ dồn vào chia thưởng cho anh em.

“Tình hình kinh doanh năm ngoái thuận lợi nên từ tháng 8 đến tháng 12 chúng tôi cũng phát được thêm cho anh em một tháng lương. Còn với tình hình kinh doanh năm nay, dự kiến quỹ lương - thưởng Tết cho CBCNV thấp hơn năm ngoái khoảng 20%. Có năm hoạt động tốt chúng tôi có quỹ lương thưởng chia đều cho nhân viên tới 18 tháng. Còn năm nay thì đói” - Ông Sang nói.

Khó có mức thưởng cao, đột biến

Chia sẻ với PV về lương, thưởng Tết, ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN trên địa bàn thành phố tổng hợp, báo cáo tiền lương năm 2011 và thưởng Tết Nhâm Thìn trước ngày 20-12. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có báo cáo lên thì số lương - thưởng Tết đó chưa hẳn đã đúng với thực tế tại DN. Mọi thứ chỉ là tương đối và khó có DN nào tại Hà Nội cũng như TPHCM có mức thưởng cao, đột biến như Tết năm ngoái.

Ông Thanh nhận định năm nay thưởng Tết chắc chắn sẽ thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân, vì lãi suất vay ngân hàng quá cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Hà Nội đang có khoảng 110.000 lao động làm việc trong các KCN. Nếu Tết các DN thưởng thấp hoặc cố tình không thưởng hay cắt giảm các khoản trợ cấp do tăng lương tối thiểu (từ 1-10-2011), chắc chắn sang các tháng đầu năm 2012, sẽ xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc, nhảy việc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của DN”, ông Thanh khuyến cáo.

Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, theo văn bản Bộ LĐ-TB&XH dự kiến năm nay sẽ có 9 ngày nghỉ Tết. Do đó, Tết Nguyên đán rất gần với Tết Dương lịch nên không loại trừ có DN sẽ vin vào việc chưa đánh giá được kế hoạch năm có hoàn thành kịp hay không để tính tiền thưởng cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều DN FDI chuyển giá, báo lỗ triền miên thì việc chăm lo Tết cho NLĐ sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng chung nhận định thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, cái khó nhất để nhận biết đó là thưởng hay chỉ là khoản tiền lương trích lại của NLĐ trong cả năm.

Nếu tiền thưởng nằm trong quỹ lương thì doanh nghiệp vẫn được quyết toán và gọi đó là thưởng; còn tiền thưởng nằm ngoài quỹ lương, được trích ra từ lợi nhuận trong khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì chắc chắn doanh nghiệp đó không có thưởng Tết. “Anh làm ăn thua lỗ thì lấy đâu ra nguồn để thưởng Tết” - bà Minh nói.




Ngoài hình thức tặng quà, sản phẩm thì phiếu quà tặng cũng được xem là phương án thưởng tết thay thế tiền mặt của một số doanh nghiệp. Theo giám đốc của một siêu thị, lượng phiếu quà tặng của siêu thị bán ra cuối năm thường tăng vọt 60-70% so với thường ngày. Thông thường khách mua phiếu số lượng lớn là những công ty, doanh nghiệp dùng để tặng nhân viên, cán bộ trong cơ quan, sau đó mới đến tặng đối tác, khách hàng.
Bà Thục Quỳnh, giám đốc marketing của Saigon Co.op, cho biết phiếu mua hàng thường được xem như là phúc lợi cộng thêm cho cán bộ công nhân viên bên cạnh tiền thưởng tết. Nhưng vài năm gần đây, phiếu quà tặng được xem là món quà thay thế các giỏ quà tết do tính tiện lợi và giá trị sử dụng cao. Hiện nay một giỏ quà tết tươm tất tặng nhân viên cũng phải tốn 400.000-600.000 đồng/giỏ, trong khi nếu tặng phiếu mua hàng công ty vừa được giảm chiết khấu lại không phải cồng kềnh đi giao hàng hay chịu những rủi ro về chất lượng hàng hóa.
“Phiếu mua hàng có giá trị như tiền mặt nên được nhiều doanh nghiệp chọn để thưởng cho nhân viên” - bà Quỳnh nói.

Theo TT, TP
Sưu tầm: Masgroup

0 comments:

Đăng nhận xét