[Masgroupvn] - Đón nhận 7 “bản án tử” đồng nghĩa với 7 cái chết đang treo lơ lửng trên đầu. Một đại gia đình đang rơi vào thảm kịch lớn chưa có lối thoát. Câu chuyện có thật ở xóm Liên Tiến, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang làm cho không biết bao người xót xa thương cảm.
Đau lòng một câu chuyện ngược đời
Bước chân tôi dừng trước căn nhà cấp 4 thấp nhỏ, những cơn mưa dầm dề đầu tháng 10 phảng phất cơn gió đông càng tô đậm nét ảm đạm của căn nhà lụp xụp lợp prôximăng đã ngả màu ố. Ngoài thềm nhà, một đứa trẻ lên 2 tuổi lem luốc đang khóc ngặt nghẽo đòi ăn, trong gian bếp ẩm thấp, một người đàn ông đang lúi húi thổi lửa nấu cháo cho con, mặt đầy nhọ nồi, nước mắt đua nhau chảy trên khuôn mặt rám nắng bởi khói củi ẩm ngày mưa, thổi mãi không lên lửa. Đang tất tả làm giỗ con, anh Lê Doãn Thuyết (SN 1975) chủ nhà sau một thoáng ngỡ ngàng trước vị khách lạ vội kéo ghế mời khách.
Khi biết dụng ý cuộc ghé thăm của chúng tôi, anh Thuyết buồn rầu cho hay, anh là con thứ 3 trong một gia đình có tới 9 người con làm nghề muối có truyền thống ở vùng biển Lộc Hà. Cuộc sống nghèo khổ, đông con cứ thế bám riết lấy gia đình.
Bố anh mải miết vật lộn trên những cánh đồng muối, đến khi ngã bệnh không gượng dậy được nữa thì mới chịu đi bệnh viện khám. Tại đây, các bác sỹ cho hay, ông bị mắc chứng bệnh thận đa nang đã phát triển qua giai đoạn biến chứng. Đây là một căn bệnh di truyền, hiện chưa có thuốc chữa. Các bác sỹ đã khuyên các thành viên trong gia đình anh nên thu xếp công việc đến viện để kiểm tra.
Khi cầm trên tay bản kết quả, cả gia đình anh Thuyết lặng đi không ai nói nổi một lời. Cả 9 anh em đưa nhau đi bệnh viện làm xét nghiệm thì chỉ có một người trong số họ may mắn không bị nhiễm bệnh. Không lâu sau đó, bố anh Thuyết qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mộ bố chưa kịp xanh cỏ thì gia đình lại một lần nữa phải chít khăn tang tiễn đưa người anh cả ra nghĩa trang, sau một thời gian vật lộn với căn bệnh quái ác này. 7 anh em (người anh thứ 2 may mắn không bị bệnh) sống chung với bệnh tật và nỗi sợ hãi về "án tử" treo lơ lửng trên đầu có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Sau nhiều năm "sống chung với lũ", cơ thể của các anh đã bắt đầu có biểu hiện phù nề, mệt mỏi, không thể cáng đáng được những công việc nặng nhọc trong gia đình. Đều đặn tuần 2 lần, các anh lại đạp xe lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để chạy thận.
Nói đến đây, tôi thấy những người đàn ông của gia đình mặt tối sầm lại, có nét đượm buồn mang đậm tên gọi “bất lực”. Trong ánh sáng nhờ nhờ của chiếc bóng đèn ni-on cũ, căn nhà thiếu ánh sáng của mấy anh em trông thật tồi tàn, không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc quạt cây đã cũ và chiếc giường gỗ xiêu vẹo làm nơi nằm cho cả gia đình.
Đau xót hơn, khi lâm trọng bệnh, hằng ngày những người chồng lẽ ra phải đi làm kiếm tiền về nuôi vợ con và để cáng đáng trách nhiệm chèo lái con thuyền gia đình, thì họ lại chỉ biết quanh quẩn ở nhà, chăm con, làm nội trợ. Trong khi đó, những người phụ nữ của đại gia đình này lại phải nai lưng gồng gánh vai trò trụ cột, thậm chí có người đang trong thời kỳ thai nghén cũng phải lặn lội lên thành phố xa hàng chục cây số để làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Anh Lê Doãn ý (1980), một trong những thành viên không may mắc bệnh ngậm ngùi chia sẻ, trước đây gia đình có làm nghề muối, tuy vất vả nhưng cũng đủ sống. Từ khi phát hiện ra bệnh, cộng với mất hết đất nên nghề làm muối gia truyền bao đời đã trở nên xa vời đối với các anh. Nhìn những người đàn ông có bề ngoài vạm vỡ, to cao này ít ai biết rằng, những công việc đòi hỏi sức lực họ đều phải trút sang vai vợ.
Suốt ngày, họ chỉ loanh quanh ở nhà, làm công việc lặt vặt, trông con, đến giờ thì đỏ lửa nấu cơm, đi chợ và chăn nuôi thêm con lợn, con gà để kiếm thêm đồng thu nhập. Bao năm qua, gánh nặng gia đình đổ dồn cả lên đôi vai gầy yếu của các bà vợ.
Lặn lội thân cò
Các anh em trong gia đình anh Lê Doãn Thuyết đều ở nhà trông con cho vợ đi làm
Ngồi nghe những người đàn ông kém may mắn tâm sự đến quá trưa, vẫn chưa thấy bóng dáng người phụ nữ nào về, anh Thuyết nhìn đồng hồ rồi buông một câu vu vơ "khổ thân vợ mình lắm, vì chồng không làm được những công việc nặng nhọc nên mọi gánh nặng đều đổ lên vai".
Nhiều năm qua, vợ anh, chị Phan Thị Đào, một tay tất tả lo việc đồng áng, hết ruộng nhà, lại chạy đi gặt thuê ruộng người, rồi tranh thủ đạp xe lên thành phố phụ hồ kiếm đôi ba đồng về sắm bữa cơm gia đình, cộng tiền chạy thận cho chồng. Dường như những lo toan đời thường đã làm cho người phụ nữ mới bước sang tuổi 34 này già hơn rất nhiều so với tuổi.
Bế thốc đứa con với khuôn mặt kém vui, chị mở đầu câu chuyện với người khách lạ như một sự trút nhẹ nỗi lòng. Chị ôm con ngồi trên chiếc chõng ọp ẹp nhìn ra ngoài sân qua mái hiên thấp chạm đầu người, chị bảo mấy hôm nay trời mưa rả rích cả ngày nên không có ai thuê. Mấy chị em ngồi trú mưa, bên ngoài gió rít lạnh mà trong lòng thì như lửa đốt.
Cả buổi sáng đạp xe dưới mưa lên thành phố, giờ lại vác bụng đói về mà không có đồng nào. "Ngày mai lại đến ngày anh Thuyết đi chạy thận", nói đến đây chị dừng lại im lặng, chắc chị không dám nghĩ tiếp những khó khăn chồng chất ấy. Ngày ngày chị dậy thật sớm, đạp xe lên thành phố làm phụ hồ, cửu vạn kiếm tiền nuôi con nhỏ và chồng.
Chị bảo rằng, lúc đầu cũng suy sụp lắm, nhưng rồi nhận ra trọng trách của mình với gia đình này lớn hơn, nên tự động viên mình phải mạnh mẽ lên để có đủ nghị lực cáng đáng thay chồng. Nhiều đêm, hai vợ chồng nằm ôm nhau khóc cho cái sự trớ trêu của số phận. Chồng thương vợ nặng gánh đôi vai, vợ thương chồng bệnh tật, chả biết nay mai thế nào, đưa tay quệt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má cháy nắng, chị quay sang cầm tay anh.
Từ lúc anh Lê Doãn Thuyết không còn gánh được vị trí trụ cột của gia đình, chuyện kiếm tiền, duy trì mọi sinh hoạt gia đình đã được sang tay cho người đàn bà liễu yếu đào tơ này. Người vợ lam lũ chia sẻ, vất vả là vậy nhưng chị vẫn thấy vui và hạnh phúc khi mỗi ngày được nhìn thấy nụ cười còn nở trên môi của anh Thuyết. Chính bởi thế, khi biết chồng mang trong người "án tử", dù biết là mong manh, nhưng làm được bao nhiều chị cũng dồn vào chạy chữa cho chồng, hi vọng anh sống được cùng vợ con ngày nào tốt ngày đó.
Bước chân của tôi lại lần về những ngôi nhà có nóc mà như không của mấy người em anh Thuyết. Đó là gia cảnh của các anh Lê Doãn Lưu, Lê Doãn ý, họ cũng bị mắc phải căn bệnh thận đa nang như cha và các anh em của mình. Gia đình anh Lê Doãn Lưu có 3 đứa con nhỏ, vợ lao động tự do, còn gia đình anh Lê Doãn ý có hai cậu con trai, vợ làm nghề chạy chợ. Bữa cơm của mấy gia đình này ngày một đạm bạc hơn, vì tiền thuốc chạy thận để duy trì sự sống của các anh ngày một tăng. Hai cậu em còn lại của gia đình, sau khi nhận kết quả, phát hiện ra mình bị mắc bệnh cũng không thiết tha gì chuyện vợ con.
Những người đàn bà trong đại gia đình có tới 7 người con trai và ông bố chẳng may vướng phải căn bệnh quái ác này, mỗi người có một nỗi khổ riêng nhưng được cái, họ đều hết lòng yêu thương chồng con và ra sức vun vén cho tổ ấm gia đình đang đứng trên bờ tròng trành của mình. Như chị Nguyễn Thị Lan, vợ của anh Lê Doãn Lưu đang mang thai được hơn 8 tháng, sắp đến ngày vượt cạn, nhưng nắng cũng như mưa, gà gáy sáng là chị lại đạp xe theo các chị dâu ra thành phố làm cửu vạn.
Chuyện về mấy anh em trai trong một gia đình mắc phải căn bệnh quái ác được phát hiện trong cùng thời điểm như đại gia đình anh Lê Doãn Thuyết ở Hà Tĩnh có lẽ là trường hợp đặc biệt. Mỗi tuần, không những không kiếm ra đồng nào giúp vợ mà các anh còn tiêu tốn hơn 750.000 đồng (một người) cho mỗi lần chạy thận để duy trì sự sống. Những con người khốn khổ ấy cũng không dám nói lên cả ước mơ của mình, nhưng tôi biết, họ đang mơ về một phép mầu nhiệm để họ có thêm cơ hội chữa bệnh và kéo dài sự sống.
Loan Nguyễn( theo nguoiduatin)
0 comments:
Đăng nhận xét