[Masgroup] - Kiến nghị thì cứ kiến nghị tuy nhiên luật thì vẫn là luật. Người tiêu dùng vẫn chưa nhận được nhiều lợi ích từ khuyến mãi như trước kia.
DN thả sức khuyến mãi thì người tiêu dùng được lợi, cớ gì mà cấm? Chương trình “to” mới cần đăng ký, thông báo.
Nhiều quy định về khuyến mãi hiện hành bị chê là lạc hậu, không còn phù hợp với hoạt động của DN. Điều này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) kiến nghị cần thay đổi.
Trong đó có những kiến nghị như thả lỏng cho khuyến mãi không giới hạn giá trị, không giới hạn thời gian khuyến mãi, không cần thông báo chương trình, sung công quỹ bằng hiện vật chứ không bằng tiền…
Có sức cứ khuyến mãi
Gần đây, chương trình khuyến mãi gói cước tỉ phú của Beeline bị tuýt còi vì lý do giá trị khuyến mãi vượt quá mức quy định. Cách đây không lâu, các chương trình khuyến mãi nạp card tặng tiền của một số mạng viễn thông cũng bị tuýt còi vì tặng đến 70%-100% giá trị tiền nạp, ví dụ nạp 500.000 đồng mà tài khoản được đến 1 triệu đồng. Người dùng di động tiếc hùi hụi những chương trình khuyến mãi như thế. Với góc độ tiêu dùng thì giảm giá càng nhiều, tặng thưởng càng nhiều và thường xuyên, liên tục… thì người tiêu dùng càng có lợi.
Thế nhưng Nghị định 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều quy định khống chế. Trong đó có khống chế mức giảm giá tối đa không được vượt quá 50% giá hàng hóa hoặc dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi; giá trị dùng để khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của hàng hóa - dịch vụ…
Người tiêu dùng càng có lợi khi chương trình giảm giá, tặng thưởng ngày càng thường xuyên. Ảnh: HTD
Trong báo cáo rà soát Luật Thương mại và các văn bản liên quan, VCCI đưa ra kiến nghị bỏ quy định tổng giá trị của hàng hóa - dịch vụ dùng để khuyến mãi không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa - dịch vụ được khuyến mãi. Báo cáo này cho rằng đối với một số hàng hóa thông thường có thể tính được nhưng với một số hàng hóa có tính chất trừu tượng như thông tin di động thì rất khó xác định. Mặt khác, để tính được tổng giá trị hàng hóa - dịch vụ thì thường phải đợi sau khi đợt khuyến mãi kết thúc thì DN mới đưa ra được con số cụ thể và chính xác. Do đó, quy định này không chỉ gây khó khăn cho thương nhân mà còn cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Báo cáo này cũng cho rằng khuyến mãi là quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của DN. DN có sức mà khuyến mãi “tẹt ga” thì khách hàng cũng được lợi. Thêm vào đó, cũng không có cơ sở khoa học để nói rằng hạn mức khuyến mãi là bao nhiêu % thì sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, bao nhiêu % thì không.
Hụt hơi vì nhiều thông báo
Trong sách trắng các vấn đề thương mại, đầu tư mà Eurocham phát hành đầu tháng 12 đã đưa ra kiến nghị sửa một số quy định về khuyến mãi.
Nghị định 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại quy định DN tổ chức khuyến mãi trên nhiều tỉnh, thành thì phải đăng ký với Bộ Công Thương và vẫn phải gửi công văn thông báo cho từng Sở Công Thương tỉnh, thành kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương.
Eurocham cho rằng thủ tục đã nhiều mà ở từng tỉnh, thành lại có thể “biến hóa” thủ tục thông báo này. Vì vậy, Eurocham cho rằng quy định này gây khó khăn cho DN, gây ra gánh nặng lớn về hành chính và thủ tục giấy tờ cho DN lẫn cơ quan quản lý khi phải làm nhiều thông báo các kiểu.
Do đó, sách trắng đưa ra kiến nghị sửa quy định về thông báo theo hướng chỉ bắt DN nộp thông báo ở một nơi là Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương nơi DN có trụ sở. Ngoài ra, cần cho phép nộp thông báo điện tử để tiết kiệm chi phí cho DN lẫn cơ quan có thẩm quyền.
Eurocham cho rằng thông qua Internet, các sở Công Thương hoàn toàn có thể cập nhật các thông tin về khuyến mãi mà DN đã nộp cho Bộ Công Thương.
Về phía VCCI thì cho rằng DN có tiềm lực kinh tế lớn, tổ chức những chương trình quy mô lớn thì mới có tác động nhất định, gây ảnh hưởng đến thị trường nên mới cần quản lý. Do đó đã đưa ra kiến nghị tối giản thủ tục thông báo theo hướng chỉ những chương trình khuyến mãi quy mô lớn (lớn như thế nào thì thảo luận sau) mới phải làm thủ tục thông báo, còn chương trình nhỏ thì thôi, không cần làm thủ tục lích kích!
Kiến nghị này dựa trên thực tế là rất nhiều DN nhỏ thực hiện khuyến mãi mà không thông báo. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được hết, nhất là với những chương trình nhỏ, ngắn hạn, DN không làm rầm rộ, không quảng bá trên báo, đài…
Sung công… một nửa cái nồi cơm Lâu nay các DN thực hiện các chương trình khuyến mãi dạng rút thăm, quay số trúng thưởng thường treo giải là sản phẩm, ví dụ nồi cơm điện, tivi, xe ô tô… Nghị định 37/2006 quy định là nếu có giải thưởng mà không có người trúng thưởng thì DN phải nộp 50% giá trị giải thưởng bằng tiền vào ngân sách Nhà nước (sung công). Tuy nhiên, trong sách trắng, Eurocham kiến nghị thay đổi quy định trên. Cụ thể là kiến nghị không nộp sung công quỹ bằng tiền mà nộp bằng… sản phẩm. Ví dụ: không người nhận nồi cơm thì sung công nửa cái nồi cơm, không người nhận tivi thì sung công nửa cái tivi, không người nhận ô tô thì sung công nửa cái ô tô! Eurocham cho rằng để đảm bảo có thể thực hiện đúng chương trình khuyến mãi thì DN đã phải mua sẵn các hiện vật đó, như nồi cơm điện, tivi, ô tô… Khi không có người nhận, DN phải nộp tiền bằng 50% giá trị không người nhận vào công quỹ là gây khó cho DN, tăng chi phí hoán đổi hiện vật thành tiền. |
QUỲNH NHƯ
Theo: phapluattp.vn
Sưu tầm: masgroup
0 comments:
Đăng nhận xét